Đánh giá sản phẩm

[Đánh giá]Khuôn ép giò: thiết kế đơn giản, hiệu quả tối ưu


Trong entry trước, tớ đã giới thiệu với mọi người khuôn ép đa năng của EMTC (tranh thủ bán luôn) nhưng có lẽ, như thế vẫn chưa phải là đầy đủ. Trong entry tiếp theo này, tớ sẽ tập hợp và đánh giá sơ bộ về ưu nhược điểm của một số khuôn ép đang có trên thị trường hiện nay. Hy vọng rằng điều đó sẽ giúp mọi người thêm cơ sở để so sánh và lựa chọn sản phẩm tối ưu cho nhu cầu sử dụng của mình.

———————————————-

Sơ lược:

Nói đến các món ăn trong mâm cỗ Tết của người Việt, có một món ăn được chế biến từ tai, mũi, lưỡi lợn và các gia vị như hạt tiêu, mộc nhĩ, nấm hương … gần như nhà nào cũng có là … giò xào. So với các món giò khác, giò xào là món ăn có nhiều biến thể nhất tùy theo điều kiện cũng như khẩu vị của người chế biến. Và khi ăn, nhờ sự phối trộn các thành phần khác nhau nên cũng đỡ ngấy hơn hẳn các món giò khác, nhất là trong những ngày tết mâm cao cỗ đầy.

 

Nhưng muốn ăn ngon thì phải biết cách làm giỏi. Không chỉ là việc chế biến nguyên liệu ban đầu, cách gói giò cũng ảnh hưởng không ít đến chất lượng và hình thức của món này. Tùy theo cách gói, độ giòn của giò cũng khác nhau (nếu gói kém thì dễ là nó sẽ bở ra như món thịt xào bình thường), hình dạng của khoanh giò cũng khác nhau: vuông, tròn, méo .. Và như mọi người đều thấy, khoanh giò tròn là dễ bày đẹp trên nhiều loại đĩa nhất, thậm chí là nếu xếp hình hoa thì cũng là dễ nhất. Từ xưa đến nay, theo đó, có rất nhiều, phải nói là rất rất nhiều mới đúng, các phương pháp và các dụng cụ khác nhau để gói giò: đơn giản có thể chỉ là gói trong lá dong, lá chuối (sau này, nhiều lúc còn dùng túi nilon, giấy nhôm …) rồi ép bằng buộc lạt hoặc nẹp tre; phức tạp hơn chút thì dùng ống tre, nắp gỗ và tạo lực ép bằng xiết lạt; sau này thì cải tiến bằng ống nhựa, ống inox rồi thì khóa ép, tay vặn … Mỗi cách đều có những ưu nhược điểm khác nhau nhưng tạm thời ở đây, tớ sẽ chỉ bàn đến những loại khuôn ép bằng inox hiện đang có bán trên thị trường.

Đánh giá chung:

* Hình thức: thiết kế gọn, bề mặt sáng bóng tạo cảm giác sạch.
* Vật liệu: thường sử dụng các mác inox 201, 304 và 430 có xuất xứ từ Đài Loan, Trung Quốc và Ấn Độ do giá thành hợp lý. Thực tế thì mác 304 rất ít được sử dụng do giá thành rất đắt và với điều kiện bảo quản của các gia đình hiện nay rất khó làm giảm chất lượng bề mặt các loại inox nói chung (như ố, vàng, rỉ …).
* Công dụng: có thể sử dụng để ép giò, ép cơm nắm …

Đánh giá chi tiết:

1. Mẫu số 1:

Mẫu số 1

Ưu điểm:

* Mặt đáy được gò viền mép với phần thân ống nên khá chắc chắn, khả năng giữ tấm chặn đáy tốt.
* Thanh chặn thiết kế rời, dễ lắp, dễ tháo.
* Phần miệng ống được gò viền mép nên không có cạnh sắc, hầu như không gây đứt tay.

Nhược điểm:

* Khó vệ sinh sạch, nhất là các chỗ viền, gấp mép (đặc biệt phần góc trong giữa mặt đáy và ống).
* Sử dụng mối ghép giữa 2 chi tiết khác nhau nên dễ bị oxy hóa chỗ mối ghép: gỉ, ố .. (nhất là khi bị chất lượng inox không đảm bảo, bị đọng nước …)
* Thanh chặn rời, dễ tháo, dễ lắp nhưng cũng dễ tụt nếu lượng nguyên liệu ít.
* Khối lượng sản phẩm không điều chỉnh được (nếu ít quá thì không tạo được lực ép).
* Nước mỡ khi ép không thoát xuống mà lại trào ngược lên miệng –> khó thực hiện thao tác ép do trơn trượt.

2. Mẫu số 2:

Mẫu 2

Ưu điểm:

* Thân khuôn thiết kế 2 nửa, dạng bản lề –> dễ lấy giò khỏi khuôn sau khi ép. Ngoài ra, có thể lót lá để gói giò như cách truyền thống.
* Có thể ép được nhiều khối lượng nguyên liệu khác nhau, dù có đổ hơi quá đầy vẫn có thể lắp được gông ép vào khuôn.
* Tay vặn dạng thanh nên dễ vặn, không bị trượttay.

Nhược điểm:

* Như mẫu số 1, nhược điểm chính của mẫu số 2 này là khó vệ sinh sạch (nếu lót lá bên trong thì đỡ hơn), dễ bị oxy hóa tại các vị trí bản lề.
* Thiết kế cồng kềnh, thô, không bắt mắt.
* Nhiều mối hàn ghép –> nếu hàn kém thì có thể bị bung  khi ép quá chặt.

3. Mẫu số 3:

Mẫu 3

Ưu điểm:

* Sử dụng gông (vai) ép dạng khóa cài theo chiều xoay –> dễ cài kể cả khi có đổ nguyên liệu đầy ống.
* Thiết kế tay vặn dạng thanh –> dễ vặn, không bị trượt tay.
* Có thể điều chỉnh được lực ép và lượng nguyên liệu từ ít đến nhiều  (tùy theo chiều dày vít ép và chiều cao ống).

Nhược điểm:

* Khó vệ sinh sạch sẽ, nhất là phần gông ép và tai cài khóa.
* Phần tai cài  khóa không được hàn kín tất cả các mép (phần tiếp xúc với mặt ống) –> có thể bị đọng nước, mỡ bên trong –> mất vệ sinh, dễ gỉ.
* Phần tai cài làm từ tấm gấp,  thiết kế mở (đề cài được gông theo chiều xoay) –> có cạnh sắc gây nguy hiểm cho người sử dụng, trường hợp lực ép quá mạnh có thể bị biến dạng làm khả năng giữ gông ép giảm.

4. Mẫu số 4: khuôn ép đa năng của EMTC

Mẫu EMTC

Ưu điểm:

* Thiết kế đơn giản, gọn gàng , bắt mắt.
* Các chi tiết thành phần có thể tháo rời hoàn toàn –> dễ dàng vệ sinh sạch sẽ sau khi sử dụng.
* Trong thiết kế, không sử dụng bất cứ mối ghép nào dù là cơ (ghép dạng viền mép) hoặc điện (hàn) –> càng dễ làm vệ sinh và không bị đọng nước –> không bị ăn mòn, oxy hóa.
* Phần nắp ép được dập gân, dập lõm định vị tại vị trí tiếp xúc với vít ép –> tăng độ cứng vững của nắp, khó bị biến dạng và không bị trượt nghiêng khi xiết vít ép.
* Vai ép được cài trực tiếp vào thân ống –> khả năng chịu lực ép cao (nếu mà xiết đến mức phá hủy được thì chắc là bạn ép bê tông chứ không phải ép giò nữa ;))

Nhược điểm:

* Lượng nguyên liệu không thể đổ đầy miệng ống hoặc hơn vì khi đó, rất khó khăn để có thể cài vai ép vào lỗ khóa.
* Phần đầu tay vặn thiết kế dạng tấm bán nguyệt –> có thể gây đau tay khi vặn chặt, nếu tay dính mỡ thì rất trơn và khó vặn. Tuy nhiên, nhược điểm này đã được khắc phục trong mẫu thiết kế mới (mẫu 2010) bằng cách đột thêm một lỗ tròn (các mẫu trước 2010 không có lỗ này) –> theo đó, có thể luồn một thanh tròn gì đó (đũa, thanh thép hoặc inox …) qua lỗ để có chỗ nắm tay cho dễ xiết chặt. Ngoài ra, nhờ lỗ này, sau khi rửa, có thể treo cả bộ khuôn lên cho gọn và mau khô.

Kết luận:

Đối với tớ, những cái gì liên quan đến ăn uống thì chắc chắn, tiêu chí vệ sinh an toàn phải đặt lên hàng đầu, còn các tiêu chí khác sẽ cho điểm thấp hơn. Vậy nên qua những đánh giá này, các bạn có thể biết lựa chọn của riêng cá nhân tớ rồi. Còn các bạn thì sao? Hãy tự mình có những lựa chọn hợp lý vì sức khỏe gia đình mình (và vì cả túi tiền thời bão giá này nữa).

Bổ sung:

Trong ý kiến nhận xét của tớ, các bạn có thấy tớ luôn nhận xét các sản phẩm có mối ghép rất hay bị ăn mòn, oxy hóa tại các vị trí ghép nối. Có thể các bạn sẽ đặt câu hỏi “Đã là inox, thép không rỉ thì làm sao mà bị thế được?”. Về vấn đề này tớ xin trả lời như sau:

“Tại các vị trí ghép nối, do các chi tiết không liền khối với nhau nên trong môi trường ẩm, đọng nước có thể tạo thành các cặp pin điện hóa khiến cho vật liệu tại vị trí này dễ bị ăn mòn mạnh. Đối với inox thì tốc độ ăn mòn có thể chậm hơn những vẫn gây ra những vết ố, gỉ –> không sạch. Ngoài ra, nếu mối ghép sử dụng phương pháp hàn thì tổ chức vật liệu tại vị trí hàn ghép còn bị biến đổi nhiều hơn nữa do nhiệt độ cao –> khả năng bị mòn, gỉ còn cao hơn nhiều so với mối ghép cơ thông thường.”

Tham khảo: http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A9p_kh%C3%B4ng_g%E1%BB%89

—————
Tớ sẽ tổng hợp và trình bày các kiến thức về các loại inox trong một bài viết khác sau này. Hẹn gặp lại các bạn.


 

Online Shop

Khuôn ép đa năng


Giới thiệu sản phẩm

Vậy là sắp đến mùa Tết, nhà nhà sẽ lại chuẩn bị mua sắm  giò lụa, giò xào, làm nộm … các loại cho mâm cỗ Tết. Nhưng mua ngoài thì nhiều khi vừa đắt, vừa không hợp khẩu vị, nhiều khi lại còn lo ngại sẽ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vậy tại sao không tự làm cho mình và cho bạn bè? Nếu bạn e ngại vì không có dụng cụ phù hợp, hoặc những dụng cụ bạn thường dùng bằng ống nhựa, ống tre … cồng kềnh và khó vệ sinh sạch sẽ thì tại sao lại không dùng thử sản phẩm “Khuôn ép đa năng” bằng inox của Công ty cổ phần dụng cụ cơ khí xuất khẩu – EMTC. Được sản xuất ở quy mô công nghiệp, thiết kế tối ưu cho việc làm sạch sau khi sử dụng … bạn hãy để thực tế chứng minh cho những điều đó.

Trên thị trường hiện nay cũng có nhiều đơn vị khác tham gia sản xuất sản phẩm này, nhưng tùy theo thiết kế, mỗi sản phẩm của mỗi nơi cũng đều có nhưng ưu điểm riêng. Với thiết kế của EMTC, ống ép giò trơn nhẵn, không có các bộ phận nổi ra ngoài nên việc làm vệ sinh sau khi sử dụng là rất dễ dàng. Hơn nữa, với thiết kế khóa trực tiếp lên thân ống, không có các chi tiết phải hàn ghép nên khả năng chịu lực ép lớn cũng tốt hơn.

Và như các bạn đều biết, nhất là trong chế biến thực phẩm, món ăn càng mới, càng tươi thì càng ngon. Lại còn có câu “ít thì thèm, thừa thì chán”. Không kể  dụng cụ càng gọn càng dễ cất giữ, bảo quản, nhất trong điều kiện bạn chỉ có những gian bếp hoặc tủ bếp nhỏ. Qua khảo sát thị trường, EMTC thấy rằng, loại khuôn ép cho ra những chiếc giò từ 1 kg/cái trở xuống là tối ưu nhất. Vì vậy, hiện giờ EMTC chỉ cung cấp ra thị trường loại khuôn ép cỡ 1kg (thực tế, để ép ra loại giò 1kg thì lượng nguyên liệu bạn cần phải khoảng 1.5 kg).

 

Khuôn ép đa năng (loại 1kg)

Tiếp tục đọc “Khuôn ép đa năng”